Anh Nguyễn Văn Hải (Hoài Đức, Hà Nội) đến Bệnh viện khám trong tình trạng mắt trái không mở ra được, phù nề sưng to. Bác sĩ kiểm tra thị lực thấy thị lực giảm, giác mạc bỏng tạo gờ ở vùng giác mạc.
Anh Hải cho biết, trước đó 3 ngày anh đi làm về lúc chiều tối và bị một con côn trùng bay vào mắt. Lúc đầu con côn trùng bay vào mắt cảm giác đau rát khó chịu và anh lấy tay dụi mắt theo phản ứng thói quen. Khi vừa dụi dụi mắt thì cảm giác rát bỏng ở mắt khiến mắt anh không thể mở ra được.
Về nhà, mẹ anh đã nhỏ nước muối sinh lý và nấu nước lá trầu không xông mắt cho anh nhưng 3 ngày tình trạng phù nề vẫn tăng kèm theo mắt không mở được mỗi lần mở mắt có phản xạ ánh sáng anh Hải cảm giác đau rát vô cùng.
Tại Bệnh viện Mắt trung ương bác sĩ cho biết anh bị bỏng giác mạc do dịch của côn trùng bay vào mắt.
Không riêng anh Hải, bác sĩ Hoàng Cương – Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết các bác sĩ của Bệnh viện đã và đang điều trị cho một nữ sinh 16 tuổi tên N.T.H quê ở Hải Dương vào viện vì mắt phù nề và kiểm tra bác sĩ phát hiện nữ sinh này bị bỏng giác mạc.
Nguyên nhân trước đó nữ sinh đi học về và bị côn trùng bay vào mắt nên dụi mắt nhiều lần sau đó về nhà mua thuốc mắt tự nhỏ.
Khi vào viện khám bệnh nhân bị bỏng loét giác mạc, thị lực chỉ còn 3/10.
Vào mùa hè, các bác sĩ của Bệnh viện Mắt trung ương liên tiếp gặp các trường hợp bị 'bụi' bay vào mắt và nhiều trường hợp bị bỏng giác mạc vì khi bụi bay vào họ lấy tay dụi dụi. Bụi ở đây có thể chỉ là bụi trong môi trường cũng có thể là dị vật đặc biệt nguy hiểm là côn trùng.
Mùa hè kèm theo mưa nhiều, nắng nóng cũng là thời điểm nhiều loại côn trùng sinh sản và tấn công. Nếu không may côn trùng đó là kiến ba khoang và nạn nhân dụi mắt thì gây bỏng giác mạc thậm chí để lại sẹo giác mạc.
Bác sĩ Cương cho biết 10 bệnh nhân đến khám thì tất cả đều dụi dụi mắt khi có dị vật bay vào mắt khiến giác mạc bỏng, loét gây tổn thương nặng nề cho mắt.
Theo bác sĩ Cươngmùa hè từ tháng 4 đến tháng 7 là thời điểm các bệnh viêm kết mạc mắt tăng cao do đặc điểm thời tiết nóng, nắng, mưa nhiều, môi trường ô nhiễm gây nên tình trạng viêm kết mạc mắt.
Biểu hiện của viêm kết mạc theo mùa như bệnh nhân nhìn mờ nhất thời, cảm giác khô rát, khó mở mắt buổi sáng, thấy bất ổn khi đeo kính tiếp xúc, chảy nước mắt, ra gỉ nhiều, mắt bị ngứa, kích thích, cảm giác có sạn trong mắt, sợ sáng, ngứa mắt không chịu nổi nên bệnh nhân bắt buộc phải day dụi hoặc gãi.
Ngoài ra, viêm kết mạc do dị nguyên bay vào mắt cũng tăng hơn các mùa khác. Những dị nguyên ở đây có thể là phấn hoa, côn trùng, bụi trong không khí.
Nếu không sơ cứu và điều trị kịp thời biến chứng gây giảm thị lực chỉ do sẹo hay loét giác mạc. Thế nhưng dùng thuốc không có kiểm soát lại gây ra vô số nguy hiểm cho mắt, đôi khi là vô phương cứu chữa: glôcôm do corticoid, đục thể thủy tinh, nhiễm khuẩn cơ hội hay phối hợp.
Khi bị bụi, côn trùng hay dị vật gì bay vào mắt, bác sĩ Cươngkhuyến cáo tuyệt đối không được dụi dụi mắt để lấy dị vật ra hay nhờ người khác thổi vào mắt để 'bay'dị vật ra ngoài vì những cách sơ cứu đó làm tổn thương mắt hơn.
Nếu dụi mắt có thể làm côn trùng bị dập nát và tiết dịch gây bỏng giác mạc, lông của côn trùng cắm vào giác mạc…
Để lấy dị vật và làm dịu đau rát bác sĩ Cươngcho biết mọi người nên rửa mắt bằng nước sạch để dị vật tự trôi ra hoặc xối nước muối sinh lý.
Nếu mắt vẫn sưng, rát khó chịu cần đến chuyên khoa mắt khám để bác sĩ kê đơn không tự mua thuốc điều trị. Các thuốc nhỏ mắt có rất nhiều loại và thuốc có thể chứa corticoid dùng không đúng gây ra mù loà.
Để phòng viêm kết mạc mắt vào mùa hè, bác sĩ Cương khuyến cáo người dân nên chủ động đeo kính bảo vệ mắt. Những người ở khu vực nhiều cánh đồng, bãi đất trống cảnh giác côn trùng bay vào mắt. Theo dõi thời tiết hàng ngày bởi những ngày nhiều gió khiến dị nguyên gây bệnh mạnh hơn, tránh sử dụng kính tiếp xúc.
Nguồn BVM TW.