Từ đây, SARS Cov 2 có thể đến niêm mạc mũi, qua biểu mô niêm mạc mũi, tới ống dạ dày ruột và hệ tuần hoàn. Khi cư trú ở kết mạc tại đây sẽ có biểu hiện nhiễm virus. Thực tế là khi tìm kiếm virus có thể thấy 0.3 đến 30% dương tính trên bệnh nhân nhiễm SARS Cov 2 . Điều thú vị là SARS CoV2 có thể tìm thấy cả ở nước mắt và kết mạc bề mặt, thậm chí không có biểu hiện triệu chứng. Con đường nội sinh phân tán virus liên quan đến sự lan rộng viêm nhiễm từ đường hô hấp trên thông qua biểu mô niêm mạc mũi hoặc virus phân tán qua chế tiêt nước mắt do tuyến lệ cũng bị viêm nhiễm. Các mảnh virus trên thực tế có thể bám vào kết mạc, đôi khi biểu hiện bằng bệnh cảnh viêm kết mạc do virus. Trên những bệnh nhân COVID nặng, tình trạng nghiêm trọng toàn thân thường kèm biểu hiện cương tụ hay phù nề kết mạc. Nhiệm vụ của bác sĩ mắt là đừng để nhầm lẫn tổn thương kết mạc thứ phát với viêm kết mạc do virus SARS gây ra trực tiếp.
COVID 19 có vẻ sẽ gây ra khô mắt, đây là công bố của nhóm BS Brasil đăng tải trên tạp chí Giác mạc, số tháng 4.2021.Sáu mươi bốn bệnh nhân sau COVID-19 và 50 bệnh nhân đối chứng đã được tuyển chọn. Tất cả những người tham gia đã trải qua thăm khám nhãn khoa hoàn chỉnh bao gồm Bảng câu hỏi chỉ số bệnh lý bề mặt nhãn cầu(OSDI), thị lực được chỉnh kính, khám đèn khe, test Schirmer I, thời gian vỡ nước mắt (tBUT), đánh giá xung huyết kết mạc , nhuộm giác mạc và kiểm tra áp lực thẩm thấu phim nước mắt. Các kết quả cho thấy điểm OSDI cao hơn ở nhóm COVID-19 trong phân tích định lượng và định tính (P <0,001 và P = 0,012, tương ứng). TBUT trung bình ở bệnh nhân sau COVID-19 là 6,95 ± 4,07 giây so với tBUT trung bình là 10,12 ± 3,90 giây ở nhóm chứng. Test Schirmer có ý nghĩa nổi bật trong cả phân tích định lượng và phân tích định tính (P <0,001 và P = 0,0014, tương ứng) kèm theo sự khác biệt đáng kể về áp lực thẩm thấu nước mắt ở 2 nhóm. Từ đó các tác giả đi đến kết luận: bề mặt nhãn cầu nhậy cảm với vi rút. Đánh giá bề mặt nhãn cầu ở những bệnh nhân sau nhiễm COVID-19 có tầm quan trọng nhất định để có chẩn đoán và điều trị thích hợp.
CÓ KHẢ NĂNG GÂY BỆNH CHO NỘI NHÃN VÀ HƠN THẾ NỮA
Để có thê tới khoang nội nhãn từ hệ thống tuần hoàn chủng Corona virus mới có thể đến từ tuần hoàn trung tâm võng mạc hoặc qua động mạch mi trước và mi sau. Cho đến nay chỉ có 2 nghiên cứu về phát hiện các proteine của virus hay các RNA của chúng trong môi trường nội nhãn, đặc biệt hơn là ở mống mắt và vùng bè cũng như võng mạc. Tuy thế nhưng viêm nhiễm thực thụ của các phần tử virus này trên các bệnh phẩm của mô mắt còn chưa được chứng minh cho tới bây giờ.
SARS CoV 2 cũng có thể dẫn tới những thay đổi toàn thân làm tăng xuất hiện các biến chứng mắt một cách gián tiếp. Một ví dụ : đi kèm hậu quả của bão cytokine chức năng tế bào nội mô mạch máu có thể rối loạn, tăng đông máu trong COVID 19 đi kèm với không chỉ bệnh lý vi mạch cầu thận mà cả tắc động mạch trung tâm võng mạc và các nhánh của nó. Thậm chí lưới mao mạch hắc mạc hoặc vi mạch đĩa thị cũng có thể bị ảnh hưởng. Bệnh lý mạch máu võng mạc, bao gồm xuất tiết cục bông và vi xuất huyết đã được ghi nhận trên bệnh nhân COVID 19, hay gặp trên BN CÓ các bệnh lý nền nặng. Các dạng thiếu máu nhãn cầu khác gần đây cũng được công bố trong bệnh cảnh viêm tắc mạch máu, bệnh lý cận hoàng điểm bán cấp, bệnh lý võng mạc thần kinh vùng hoàng điểm cấp và dọa tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Viêm nhiễm nội nhãn được ghi nhận nhưng chưa kiểm chứng trên bệnh nhân bị COVID. Viêm màng đào trước không có hạt đã từng được phát hiện trên một bệnh nhân có viêm nhiễm toàn thân phối hợp với COVID 19. Một bệnh nhân khác được cho là có viêm màng bồ đào toàn bộ và viêm thị thần kinh phối hợp với COVID19. Bệnh nhân thứ 3 có phản ứng huyết thanh ( +) với COVID 19 có thay đổi lớp ngoài của võng mạc không đặc hiệu và viêm dịch kính phát hiện vào ngày thứ 12 sau khi khởi phát các triệu chứng về hô hấp. Sau theo dõi 2 tháng người ta thấy tổn thương lớp ngoài của võng mạc không phát triển thêm, tế bào viêm trong dịch kính giảm dần. Thiếu các báo cáo về viêm nội nhãn trên bệnh nhân COVID chỉ ra đây là tổn thương hiếm. Thêm nữa thiếu bằng chứng về các phần từ của SARS hay RNA trong các dịch nội nhãn hay mô của nhãn cầu trong những trường hợp này cũng là cản trở để thiết lập quan hệ nhân quả.
Chùm 300 bệnh nhân nhiễm nấm đen xoang, não trên 4 thành phố của Ấn độ làm dấy lên lo ngại về bệnh nấm mucormycosis, rất nghiêm trọng, có tỷ lệ tử vong cao, phải phẫu thuật và dùng nhiều loại thuốc, kháng kháng sinh và là bệnh truyền nhiễm.
Giáo sư Peter Collignon, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới cho biết bệnh do một nhóm nấm mốc, được gọi là mucormycetes, sống trong môi trường bao gồm cả trong đất và trên cây trồng. Mucormycosis được nhìn thấy trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và Úc. Nó có lây nhiễm trong bệnh viện - phổ biến nhất là những bệnh nhân cấy ghép tạng. Nấm mốc bám trên khăn trải giường của bệnh viện, di chuyển qua hệ thống thông gió hoặc được truyền qua chất kết dính. Nấm xâm nhập vào xoang và sinh sôi ở đó. Trên những bệnh nhân có vấn đề miễn dịch nấm có thể xâm nhập não bộ và cả tổ chức hốc mắt. Ông cho biết thêm: các bào tử nấm thường được hít vào và trong khi hầu hết các hệ thống miễn dịch của mọi người có thể chống lại chúng thì những người mắc các bệnh như tiểu đường hoặc bệnh bạch cầu làm suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc những người dùng thuốc như steroid làm lại không có khả năng đó, trong đó có bệnh nhân COVID.
Các triệu chứng bao gồm đau và đỏ quanh mắt và mũi, sốt, nhức đầu, ho, nôn mửa kèm theo máu, chảy nước mũi màu đen và có máu, đau một bên mặt và đau xoang, mũi đổi màu đen, đau răng, đau và mờ mắt. Các mẫu chất lỏng và mô có thể được làm bệnh phẩm để xác định chẩn đoán.
Tình trạng nhiếm nấm này thường rất hiếm, ước tính khoảng 500 trường hợp xảy ra mỗi năm ở Hoa Kỳ trước đại dịch. Gs Collignon cho biết, bệnh Mucormycosis rất tốn kém và phức tạp, tỷ lệ tử vong lên tới 50%. Các phương pháp điều trị được đưa ra là phẫu thuật nạo xoang và xương bệnh lý vốn nguy hiểm vì xoang ở rất gần não, thuốc kháng nấm cũng rất độc và đắt đỏ.
Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ vừa ban hành một khuyến cáo yêu cầu mọi người đi giày, quần dài, áo tay dài trong bệnh viện còn bệnh nhân COVID nên được nằm trong các phòng có thông khí áp lực dương như những biện pháp đề phòng lây lan căn bệnh này.
Bs Hoàng Cương- BMM Trung ương