16:53 14/09/2023

BỆNH ĐAU MẮT ĐỎ

Trong thời gian hơn 1 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh ta đã xuất hiện nhiều trường hợp đau mắt đỏ. Tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng ghi nhận gia tăng các bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám. Các bác sỹ chuyên khoa mắt nhận định dịch bệnh đau mắt đỏ năm nay vừa lây lan nhanh, vừa động lực mạnh, tỷ lệ viêm giác mạc sau đau mắt đỏ cũng khá cao, lâu khỏi hơn.

Tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, từ đầu tháng 8 trở lại đây đã ghi nhận gần 1000 người đến khám do viêm kết mạc cấp (đau mắt đỏ), trong đó có 25 trường hợp phải nhập viện điều trị do biến chứng viêm giác mạc.

          “Đau mắt đỏ” là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt. Nguyên nhân  thường gặp nhất là Adenovirus gây ra, bệnh có thể lây lan thành dịch, hàng năm vào mùa hè nắng nóng thường xuất hiện những đợt dịch viêm kết mạc cấp do Adenovirus (đau mắt đỏ), với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau đó lan sang mắt còn lại. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.

          “Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ khỏi và ít để lại di chứng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp mặc dù được phát hiện và điều trị kịp thời nhưng bệnh vẫn gây biến chứng viêm giác mạc, thậm chí gây viêm loét giác mạc (phần lòng đen của nhãn cầu). Đây là biến chứng nặng và thường xảy ra ở những trường hợp: Người có sức đề kháng yếu (người già, trẻ nhỏ), những người không tuân thủ tốt điều trị, những trường hợp viêm kết mạc cấp nặng (mi sưng phù nhiều, có giả mạc). Giả mạc sẽ làm phản ứng viêm nặng hơn, đồng thời sẽ ngăn thuốc không thấm được vào kết mạc, vì vậy khi xuất hiện giả mạc thì phải bóc đi, sau khi bóc giả mạc có thể tái phát cho nên bệnh nhân cần được theo dõi, có thể phải bóc nhiều lần cho đến khi hết hẳn. Hiện nay chưa có thuốc kháng Adenovirus đặc hiệu vì vậy ngoài việc bóc giả mạc bệnh nhân cần được điều trị bằng kháng sinh tại mắt để đề phòng bội nhiễm vi khuẩn và có thể dùng thuốc chống viêm tại mắt nếu phản ứng viêm mạnh. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ thì bố mẹ và người thân cần dỗ trẻ và nhỏ thuốc cho trẻ không khóc gây chảy nước mắt làm trôi thuốc ra ngoài và tuân thủ khuyến cáo của bác sỹ đưa trẻ đến khám lại đúng hẹn để theo dõi những biến chứng có thể xảy ra để kịp thời xử trí.

Hình ảnh:  Bs.Lê Công Đức đang khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ

 Tóm lại: Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây lan và có thể gây biến chứng nguy hiểm tại mắt. Vì vậy, mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được chăm sóc, xử trí kịp thời khi mắc bệnh, bằng những cách sau: lau rửa ghèn, dử mắt ít nhất 2 lần một ngày bằng khăn giấy ẩm hoặc bông, lau xong vứt bỏ khăn, không sử dụng lại. Không tra vào mắt lành thuốc nhỏ của mắt đang bị nhiễm khuẩn. Tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt. Khi trẻ bị đau mắt, thông thường sẽ bị 1 bên mắt trước, bố mẹ và người nhà cần chăm sóc trẻ thật cẩn thận, để tránh nhiễm bệnh cho mắt còn lại. Cho trẻ nằm nghiêng một bên, nhỏ mắt rồi dùng gạc y tế lau ngay ghèn, dử và nước mắt chảy ra (làm tương tự đối với người lớn).  Tránh ôm ấp khi trẻ em bị bệnh, ngủ riêng. Trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, cách ly, dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc. Không tự ý mua thuốc nhỏ mắt. Không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Không đắp các loại lá vào mắt như là trầu, lá dâu...  Đặc biệt, khi có dấu hiệu đau mắt đỏ phải đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

Mầm bệnh đau mắt đỏ có khả năng sống ở môi trường bình thường trong vài ngày và người bệnh vẫn có thể là nguồn lây bệnh sau khi đã khỏi bệnh một tuần. Vì vậy, cách phòng bệnh tốt nhất là thực hiện triệt để các biện pháp vệ sinh và cách ly với người bệnh. với các biện pháp cụ thể, như sau:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.

- Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác; cần được nghỉ học/nghỉ làm việc để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị để tránh các biến chứng nặng. 

                                                                                                        Bs. Ths. Lê Công Đức

file đính kèm: