Bệnh Glôcôm trở thành nguyên nhân thứ hai gây mù lòa sau bệnh đục thủy tinh thể. Thế nhưng, do thiếu kiến thức nên nhiều người không phát hiện và điều trị kịp thời khi mắc bệnh.
Hiện nay, cả nước có khoảng 650.000 người mắc bệnh Glôcôm, chưa được điều trị, nguyên nhân gây ra mù lòa rất lớn. Khám mắt thường xuyên là cách tốt nhất để phát hiện và ngăn ngừa các biến chứng do bệnh Glôcôm. Bà Nguyễn Thị Hạnh, 49 tuổi, trú tại thôn 4, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên có hiện tượng đau nhức dữ dội từng cơn ở mắt, lan lên nửa đầu cùng bên. Bà đã mua thuốc giảm đau nhưng vẫn không giảm. Nhờ sự tư vấn của cán bộ y tế trạm Cẩm Lĩnh, bà đã được giới thiệu lên Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh thăm khám kịp thời và phát hiện bị bệnh Glôcôm.
Không chỉ bà Hạnh, mà hiện nay rất nhiều người khi thấy các biểu hiện nhức nhòe, khó chịu tưởng chỉ đau mắt bình thường và tự ý mua thuốc điều trị, khi khỏi mới đến bệnh viện khám thì bệnh tình đã trở nên quá nặng, nhiều trường hợp bị mù vĩnh viễn.
Tại bệnh viện Mắt Hà Tĩnh, nhiều bệnh nhân được phát hiện bị bệnh Glôcôm khi vô tình đi thăm khám các bệnh thông thường về mắt như: khám đau mắt đỏ, kiểm tra thị lực, kiểm tra mắt mộng... qua đó đã phát hiện rất nhiều bệnh nhân mắc Glôcôm. Được biết bệnh này chiếm khoảng 30% các bệnh về mắt.
Ca mổ Glôcôm tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh
Các bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết, bệnh Glôcôm thường có những biểu hiện dễ nhận thấy như mắt đau đột ngột, đau nhức dữ dội từng cơn, lan lên nửa đầu cùng bên, buồn nôn hoặc nôn, mắt đỏ và nhìn mờ.. Nên khi có các triệu chứng bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám mắt, đo nhãn áp và xử trí kịp thời.
Để hạn chế mù lòa do Glôcôm, Tổ chức Y tế thế giới phát động tuần lễ Glôcôm năm 2020 với thông điệp “Đừng để Glôcôm đánh cắp thế giới tươi đẹp của bạn” nhằm đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh Glôcôm và các nguy cơ của bệnh./.
Đoàn Loan-Nhật Thắng