Glôcôm “tânmạch”(neovascular) để mô tả một thể loại glôcôm phát triển trên mắt có bán phần trước hoặc mống mắt bị tân mạch xâm nhập, cũng còn được gọi là viêm mống mắt đỏ. Glôcôm tân mạch là một glôcôm thứ phát. Tác nhân kích thích tạo ra tân mạch thường là thiếu máu cục bộ và ở phần lớn những mắt bị glôcôm tân mạch vốn đã có bệnh lý võng mạc do đái tháo đường, tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc u nội nhãn tăng trưởng cũng kích thích tân mạch phát triển. Sự thiếu máu cục bộ và các mô tân sinh sản xuất ra những yếu tố sinh mạch thúc đẩy sự phát triển các tân mạch. Tuy nhiên tính chất cụ thể của những chất tăng sinh mạch này thư thế nào thì chưa được hiểu rõ. Bất kỳ một quá trình nào gây ra thiếu máu cục bộ cho các mô của mắt, kể cả viêm, cũng đều kích thích tân mạch phát sinh. Ngoài ra glôcôm tân mạch còn xuất hiện những mắt có ẩn chứa u hắc tố hắc mạc hoặc mống mắt, ung thư biểu mô di căn, sarcoma tế bào mô lưới và u nguyên bào võng mạc.
Bệnh sử tự nhiên của glôcôm tân mạch đã được nghiên cứu trên lâm sàng và thực nghiệm. Ở giai đoạn ban đầu các tân mạch xuất hiện ở bờ đồng tử và ở góc tiền phòng, sau đó lan rộng ra mống mắt. Thành mạch mỏng để lộ rõ màu đỏ của máu chứa trong mạch, do đó có tên viêm mống mắt đỏ. Soi góc tiền phòng thường những mạch nhỏ phát triển từ mống mắt ra và đi qua vùng bè. Có đầy đủ yếu tố kích thích gây thiếu máu cục bộ thì các mô sợi mạch sẽ lấp đầy góc tạo thành những đoạn dính ra trước ở chu biên mống mắt, làm tổn hại thoát lưu thủy dịch đến mức nhãn áp tăng và thường tăng cao, bệnh nhân có triệu chứng như trong cơn glôcôm góc đóng, đau nhức dữ dội và thị lực giảm.
Glôcôm tân mạch đặc biệt hay phát sinh khoảng 3 tháng sau một thiếu máu cục bộ do tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc. Mặc dù trước đó bệnh chưa được chẩn đoán bằng soi đáy mắt bệnh nhân vẫn bị giảm thị lực mặc dù mắt không đau. Nếu giác mạc phù nề không soi được đáy mắt thì cần làm siêu âm để loại trừ khối u nội nhãn hoặc bong võng mạc toàn bộ cũng đều dẫn đến glôcôm tân mạch.
Điều trị bệnh glôcôm tân mạch là vô cùng khó khăn. Chống chỉ định các thuốc co đồng tử vì chúng làm tăng đau nhức mà ít hiệu quả đối với nhãn áp. Các thuốc ức chế anhydrase carbonic và chẹn beta ít kiểm soát được nhãn áp lâu dài. Các phẫu thuật lỗ rò cổ điển không hiệu quả vì các sợi mạch tăng trưởng sẽ bít lỗ rò. Phẫu thuật này được cải tiến và có thêm van dẫn lưu hoặc laser làm đông đặc các mô tân mạch đôi khi có hiệu quả. Atropin và corticosteroid tại mắt làm đỡ đau (cho những mắt không còn thị lực). Vì glôcôm tân mạch ở giai đoạn phát triển hoàn toàn không đáp ứng tốt với bất kỳ phương pháp điều trị thông thường nào nên trong một số trường hợp cần áp dụng quang đông trên diện rộng võng mạc như một cách dự phòng có hiệu quả. Quang đông ở vùng võng mạc thiếu máu làm giảm các tác nhân kích thích thiếu máu đủ để kìm hãm các tân mạch đã được tạo thành và điều chỉnh được nhãn áp nếu góc vẫn mở rộng tương đối.
Ở những trường hợp mới bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc mà mạch ký huỳnh quang cho thấy tình hình các mao mạch không truyền thấm thì phương pháp quang đông võng mạc rộng làm giảm thấp tỷ lệ bị glôcôm tân mạch. Áp quang đông góc (goniophotocoagulation) cũng được khuyến khích thực hiện trước khi mổ lỗ rò, và ngay sau khi áp quang đông rộng võng mạc nó là một biện pháp làm dịu bớt đau. Hiện nay bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đã áp dụng laser quang đông võng mạc để điều trị các trường hợp Glôcôm tân mạch.Các trường hợp tân mạch mống mắt, tân mạch góc tiền phòng có nguy cơ cao dẫn đến Glôcôm tân mạch và Glôcôm tân mạch đã được điều trị bằng laser Quang đông tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đều có quả tốt.